Tin trong nước

Dạy chủ quyền theo sách riêng, cách riêng

3 năm trước | 0 bình luận | Tuổi trẻ | 526 lượt xem
Dạy chủ quyền theo sách riêng, cách riêng - Ảnh 1.

Thầy cô giáo và học sinh Trường tiểu học Phước Tiến, TP Nha Trang chào cờ, sinh hoạt truyền thống bên tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa - Ảnh: NGUYỄN THỊ QUỲNH HOA

Từ nhiều năm qua, học sinh của Khánh Hòa đã được dạy về sự thật "hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là phần đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chủ quyền ấy đã được minh chứng bằng sự thật lịch sử: Nhà nước Việt Nam đã quản lý và khai thác vùng lãnh thổ trên Biển Đông một cách liên tục và hòa bình trong nhiều thế kỷ".

Sách cho cả học sinh và giáo viên

Nội dung vừa trích dẫn trên nằm trong bài học ngoại khóa "Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam", trong bộ Lịch sử Khánh Hòa đã được tỉnh đầu tư cho nghiên cứu, biên soạn làm "tài liệu dùng cho học sinh". Bộ sách này đã được NXB Giáo Dục Việt Nam phát hành, sử dụng tại các trường của tỉnh Khánh Hòa kể từ năm 2013 cho đến nay.

Bộ Lịch sử Khánh Hòa được biên soạn rất kỹ lưỡng, công phu nhằm "bổ khuyết" để giải đáp, truyền thụ, trang bị cho học sinh của tỉnh về những kiến thức lịch sử gắn liền với sự phát triển của quê hương Khánh Hòa. Bởi "môn lịch sử ở trường phổ thông đã cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người và của dân tộc từ trước đến nay. Tuy nhiên, những kiến thức lịch sử của quê hương Khánh Hòa thì các em chưa được học" - theo các tác giả của bộ sách.

Bộ Lịch sử Khánh Hòa bao gồm bốn cuốn, trong đó hai cuốn dành cho học sinh THCS và giáo viên THCS, và cuốn Một số chuyên đề lịch sử Khánh Hòa dành cho học sinh THPT cùng với hướng dẫn dạy học cuốn sách này dành cho giáo viên. 

Các bài học trong Lịch sử Khánh Hòa dành cho học sinh cấp THCS được trình bày theo hướng thông sử (trình bày một cách có hệ thống về mọi mặt lịch sử xã hội từ xưa đến nay). Trong đó, có bài học về sự kiện "Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam kết hợp đặc công Quân khu 5 giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa" (dành cho học sinh lớp 9).

Hằng năm cả nước có hàng chục đoàn đại biểu cán bộ, thân nhân, Việt kiều, tôn giáo ra thăm Trường Sa, trong các đoàn này nên có giáo viên lịch sử. Bởi những người trực tiếp giảng dạy lịch sử được đi thực tế biển, đảo sẽ trở thành các nhà giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, giáo dục trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hữu hiệu nhất.

TS Nguyễn Thị Kim Hoa

Còn cuốn Lịch sử Khánh Hòa dành cho học sinh THPT được biên soạn theo chuyên đề với nhiều bài học liên quan đến chủ quyền biển đảo với các chuyên đề phù hợp dành cho từng khối lớp. Chẳng hạn, trong chuyên đề di tích (lớp 10) có giới thiệu về di tích bia chủ quyền Trường Sa trên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết; các di tích Mũi Đôi - Hòn Đầu và "tàu không số" gắn với tên tuổi của Anh hùng LLVT Phan Vinh tại đảo Hòn Hèo (TX Ninh Hòa). 

Hoặc bài ngoại khóa chủ đề "Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam" (dành cho học sinh lớp 12) không chỉ truyền đạt cho học sinh về sự thật chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo, mà còn cung cấp nhiều chứng cứ lịch sử, khách quan về sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng lãnh thổ biển, đảo ấy. 

Các chứng cứ bao gồm cả những di sản văn hóa, những tài liệu do cả người nước ngoài ghi chép; thư tịch, văn bản pháp lý của Nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử...

Dạy theo cách của Khánh Hòa

Chủ biên bộ tài liệu Lịch sử Khánh Hòa là TS Nguyễn Thị Kim Hoa, phó chủ tịch Hội Sử học Khánh Hòa, cựu cán bộ Sở GD-ĐT, giảng viên lịch sử nhiều năm của Trường ĐH Khánh Hòa. Theo bà Hoa, cùng với việc tổ chức biên soạn bộ tài liệu Lịch sử Khánh Hòa, từ năm 2012 Sở GD-ĐT Khánh Hòa đã tổ chức tập huấn cho giáo viên về chuyên đề "Chủ quyền biển đảo quê hương" (Khái quát về biển, đảo; Lịch sử chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; Kinh tế, xã hội của huyện đảo Trường Sa; Thế hệ trẻ Khánh Hòa với trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo...) để giảng dạy cho học sinh.

Sở cũng hướng dẫn, giao quyền linh động cho các trường "tùy theo điều kiện cơ sở vật chất nhà trường, tùy theo đối tượng học sinh, tổ chức đa dạng hóa hình thức hoạt động để giảng dạy, truyền đạt cho học sinh về kiến thức lịch sử chủ quyền biển, đảo" của quê hương.

Dạy chủ quyền theo sách riêng, cách riêng - Ảnh 3.

Bộ sách Lịch sử Khánh Hòa với nhiều bài học về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Khánh Hòa - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Theo đó, nhiều trường đã tổ chức các hoạt động dạy học ngoại khóa về lịch sử Khánh Hòa, về chủ quyền biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa... rất phong phú, sôi nổi và cuốn hút học sinh. 

Đó là những hình thức hoạt động như: thi hỏi đáp, xen kẽ hùng biện, câu hỏi dành cho khán giả (học sinh) liên quan đến chủ quyền biển, đảo, nhất là về Trường Sa, Hoàng Sa và hát về biển, đảo; tổ chức cho giáo viên, học sinh giao lưu với Hải quân Vùng 4 (tại bán đảo Cam Ranh) hay các đơn vị trên địa bàn tỉnh; tham quan và kể chuyện tại tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (trên bán đảo Cam Ranh) hay tại các di tích lịch sử ở Khánh Hòa; thi tìm hiểu "Em yêu biển đảo Việt Nam"; phối hợp tổ chức triển lãm "Văn hóa biển đảo Khánh Hòa"... 

Qua các hoạt động ngoại khóa ấy, nhiều trường còn kết hợp phát động học sinh tham gia gây quỹ ủng hộ học sinh Trường Sa hay "Góp đá xây Trường Sa" (chương trình do báo Tuổi Trẻ phát động)...

"Hoạt động ngoại khóa khắc phục được hạn chế về mở rộng nội dung trong chương trình chính khóa. Bởi hoạt động ngoại khóa có thuận lợi là thời gian nhiều, các em học sinh được trải nghiệm, tiếp xúc, trao đổi mở rộng kiến thức và chứng tỏ mình, đồng thời phát huy tính tích hợp liên môn cao; kiến thức học sinh thu nhận được cũng đa chiều nên dễ hiểu sâu, nhớ lâu vấn đề" - bà Hoa nhận định.

Cần bổ sung nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu

Theo TS Nguyễn Thị Kim Hoa, hiện vẫn còn nhiều sự kiện tiêu biểu chưa được đề cập trong sách giáo khoa, sẽ là khập khiễng khi chúng ta đánh giá được thắng lợi to lớn nhưng lại không nêu chiến công tiêu biểu. Điều này cũng gây thắc mắc cho học sinh. Giáo viên cần nghiên cứu thấu đáo và chủ động lồng ghép vào bài học.

Ví dụ như về trận chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Hải quân Việt Nam cộng hòa (1974) khi quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép; về trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (1988) và những tấm gương hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam...

'Giáo án sống' về chủ quyền biển đảo

TTO - Chuyện biên cương, biển đảo, chuyện chủ quyền đất nước được học, truyền đạt thực tế qua những tiết học trải nghiệm sinh động, chân thực tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng.

Theo Tuổi trẻ
Dạy chủ quyền theo sách riêng, cách riêng