Chuyên Gia Tư Vấn

'Học đại học, chọn ngành đều theo ý bố mẹ, tôi cố gắng vì cái gì?'

4 năm trước | 0 bình luận | Web tuyển sinh | 227 lượt xem

23 tuổi, trong khi bạn bè đã có trong tay tấm bằng đại học, hoặc sớm đi làm, Công Minh, sinh viên ngành Khoa học Máy tính một trường đại học ở Hà Nội, vẫn loay hoay trả nợ môn. Việc tốt nghiệp của cậu đã trì hoãn hơn một năm nay do chưa hoàn thành chương trình.

Từ đầu, nam sinh đã không thích ngành học này. Tâm lý đó không hề giảm bớt trong quá trình học, thậm chí càng ngày càng tăng.

“Bố mẹ bảo nhất định phải vào đại học và nên theo Khoa học Máy tính để đỡ lo thất nghiệp. Nhiều khi, tôi tự hỏi nếu 5 năm trước, tôi mạnh dạn bước khỏi lối đi được vạch sẵn đó, cuộc sống hiện tại có thể nhẹ nhàng hơn”, Công Minh tâm sự.

“Con rối” khi chọn trường, ngành học

Dù không học trường chuyên, Công Minh là thành viên lớp chọn của trường. Thành tích học tập giữ ổn định ở mức khá, đủ để đỗ một đại học ở thủ đô.

Thế nhưng, 18 tuổi, Minh mong muốn không đăng ký xét tuyển đại học mà theo học trường nghề cơ khí. Trong mắt bố mẹ, đó là suy nghĩ thiếu chín chắn và kiên quyết không chấp nhận.

Phụ huynh bên thí sinh sau giờ thi đại học. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Từ khuyên răn đến mắng mỏ, họ mong con trai quyết định lại vì “mọi người xung quanh đều vào đại học” và “chỉ có vào đại học mới có việc làm”. Phần áp lực, phần không muốn bố mẹ thất vọng, cậu thỏa hiệp, chọn thi đại học ngành “hot” Khoa học Máy tính.

Trường, ngành không phải nguyện vọng của mình, Minh hoàn toàn không có hứng thú. Chương trình học cũng quá khó, đặc biệt, Minh học tiếng Anh không tốt nên dần tụt lại so với bạn học.

“Ban đầu, tôi còn tìm tài liệu, đăng ký các khóa học thêm nhưng quá khó. Cứ cho tôi tốt nghiệp rồi, với trình độ như vậy, tôi cũng không tìm được việc. Học đại học, chọn ngành đều theo ý bố mẹ, tôi không hiểu mình cố gắng vì cái gì?”, nam sinh 23 tuổi chán nản.

Hiện tại, Minh còn nợ 3 môn. Vừa học lại vừa tìm việc làm để tự lo cho sinh hoạt, cậu chỉ mong sớm nhận bằng để có câu trả lời với bố mẹ và từ bỏ hoàn toàn công việc liên quan đến ngành học. Còn chuyện sẽ làm gì, Công Minh chưa xác định chắc chắn, đến đâu hay đến đó.

Thùy Dung (21 tuổi, Hà Tĩnh) cũng không thích ngành Sư phạm Mầm non mà bố mẹ chọn cho mình. Nữ sinh tâm sự cô không phải người duy nhất trong lớp không có quyền tự lựa chọn. Đa số họ vào đây vì trong mắt phụ huynh, làm giáo viên là con đường an toàn, nghề nghiệp phù hợp con gái.

“Kỳ thực tập thực sự là ác mộng, chịu không nổi. Thực sự, với ngành Mầm non, nếu không chọn vì yêu thích, nó trở thành gánh nặng khủng khiếp. Giờ cứ thấy trẻ con, em lại sợ”, nữ sinh xác định không thể gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ.

Sau kỳ thực tập, Dung cùng 4 người bạn quyết tâm góp vốn buôn bán nhỏ. Cô kể nhóm từng bị lừa, rồi ôm hàng không bán được, chán nản nhưng kể cả những lúc đó, tâm lý họ vẫn thoải mái hơn nhiều so với tháng tập sự chăm sóc trẻ.

Hàng loạt sinh viên mất phương hướng vì chọn nhầm ngành học. Ảnh minh họa: Universitylanguage.

“Bố mẹ phản đối em bán hàng online, nghĩ đó là lừa đảo, bắt em tập trung học. Nhưng em không muốn làm 'con rối' lúc chọn ngành nữa”, Dung chia sẻ và nhận định kể cả ra trường, bố mẹ có “chạy” việc làm, không sớm thì muộn, cô cũng bỏ nghề.

Trong khi đó, T.A., sinh viên năm thứ tư trường Báo chí, không biết mình có thể gắng đến lúc tốt nghiệp hay không. Ngành do cô tự chọn nên nữ sinh không dám phàn nàn với ai.

Nữ sinh tâm sự sau hơn 3 năm học, bạn thấy cơ hội việc làm quá ít. Một số chỗ nhận nhưng chỉ trả lương 2-3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với các công việc part-time khác. Nhìn bạn học không vào đại học mà chọn học nghề đã có công việc ổn định để tự lo, T.A. càng nghi ngờ quyết định hồi thi đại học của mình.

Sai lầm từ việc chọn ngành

Công Minh, Thùy Dung, T.A. chỉ là số ít trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên hối hận vì chọn ngành. Không chỉ chán nản vì phải theo học ngành không thích, họ còn cảm thấy đè nén khi nghĩ lại “giá như”.

Nam sinh học Khoa học Máy tính không muốn đổ lỗi cho bố mẹ nhưng thỉnh thoảng, cậu vẫn oán trách người lớn vì không cho mình tự lựa chọn.

Cô sinh viên Sư phạm Mầm non tiếc nuối vì không nhận ra đam mê và khả năng thực sự của mình sớm hơn. Nữ sinh trường Báo chỉ mong mình đủ can đảm để từ bỏ lựa chọn mà cô không thấy còn nhiệt huyết, đam mê.

Công tác tư vấn tuyển sinh được chú trọng trong những năm gần đây nhưng học sinh vẫn chưa được định hướng tốt. Ảnh: NH.

Theo đánh giá của TS Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, người gắn bó công tác hướng nghiệp 10 năm, sai lầm lớn nhất của sinh viên là chưa hiểu mình và nghề.

Ông cho biết nhiều em chịu tác động từ yếu tố bên ngoài, tức thấy ai ở gần học ngành nào ra có việc là chọn ngành đó chứ không tìm hiểu cụ thể. Việc tìm hiểu thông tin cũng chưa tốt, đa phần giới hạn ở trường tuyển sinh, khối xét tuyển, điểm chuẩn các năm mà quên mất yếu tố đầu ra, tức ra trường làm gì.

“Không ít bạn trẻ mới nhìn nhận một mặt, tin vào mặt màu hồng của nghề mà bỏ qua mặt trái. Trong quá trình chọn ngành nghề, một số em chỉ quan tâm độ 'hot', thấy ngành nhiều người chọn là đăng ký mà không suy xét mình có phù hợp, dẫn đến gặp khó khăn trong học tập và tìm việc”, ông nói thêm.

Ngoài ra, sai lầm còn xuất phát từ việc người học lệ thuộc ý kiến phụ huynh. Khi định hướng nghề nghiệp, hai bên không khớp, các em nghe theo lời bố mẹ vì thiếu khả năng đối thoại, dễ bị tác động hoặc nghĩ nghe lời là có hiếu.

Ông cũng đánh giá công tác tư vấn hướng nghiệp chưa tốt, dẫn đến việc thế hệ trẻ loay hoay khi xác định con đường tương lai, dễ mắc sai lầm.

Cụ thể, các trường phổ thông chú trọng việc dạy kiến thức hơn định hướng nghề nghiệp. Học sinh hiếm có cơ hội trải nghiệm ngành nghề. Phía trường đại học cũng chưa thực hiện tốt việc tư vấn hướng nghiệp mà còn tập trung nhiều vào tuyển sinh.

Sự thiếu sót trong công tác hướng nghiệp dẫn tới tình trạng học sinh mắc sai lầm khi chọn ngành, có thể chỉ nghe theo ý kiến phụ huynh hoặc căn cứ cơ hội trúng tuyển mà bỏ qua năng lực, sở thích thực sự của bản thân hoặc nhu cầu thực tế của thị trường.

 

Nguồn: Zing.vn

Theo Web tuyển sinh
'Học đại học, chọn ngành đều theo ý bố mẹ, tôi cố gắng vì cái gì?'