Đại học

Thí sinh học thêm tối ngày cho thi tốt nghiệp THPT

3 năm trước | 0 bình luận | Vnexpress | 228 lượt xem

Chủ nhật 21/6 là ngày hiếm hoi Tuấn Anh không phải ngồi học buổi sáng để cùng nhóm bạn đi từ Mê Linh tới Đại học Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng) tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020. Thế nhưng nam sinh lớp 12 vẫn đeo chiếc balo nặng trĩu sách vở để tranh thủ học. Cầm tờ thông tin tuyển sinh của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Tuấn Anh quyết tâm thi đỗ ngôi trường này để bố mẹ tự hào.

Tuấn Anh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT hôm thứ sáu. Em đăng ký 6 nguyện vọng vào các trường đại học, trong đó nguyện vọng 1 vào ngành An toàn thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Bốn nguyện vọng tiếp theo vào các ngành liên quan đến Công nghệ thông tin ở các trường khác. Riêng nguyện vọng cuối cùng là vào ngành Luật của Đại học Luật Hà Nội.

Nam sinh cho biết em thích Luật nhất rồi mới đến ngành An toàn thông tin. Ngành Luật của Đại học Luật Hà Nội năm ngoái lấy 21,55 điểm. Tuấn Anh tự tin có thể đạt mức điểm này nên lớp 11 em không phải "học ngày cày đêm". Đến hết kỳ I lớp 12, chia sẻ với bố mẹ, em được khuyên không nên thi Luật. Bố mẹ đưa ra lý lẽ thuyết phục hơn nên Tuấn Anh nghe theo, quyết định chuyển sang ngành An toàn thông tin. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành này của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là 23,35, cao hơn ngành Luật gần 2 điểm khiến Tuấn Anh bắt đầu lo lắng. Từ Tết ra, em vùi đầu vào sách vở.

Đợt phải nghỉ ở nhà do ảnh hưởng của Covid-19, Tuấn Anh học online theo chương trình trên lớp rồi lại học thêm online và tự học. Từ đầu tháng 5, khi được quay trở lại trường, ngày nào của em cũng bắt đầu từ 4h30. Mở trang học online của thầy giáo nổi tiếng, Tuấn Anh dành hơn một tiếng tập trung xem các bài giảng để ôn lại kiến thức. Đến 6h, em đánh răng, rửa mặt, ăn sáng rồi đến trường.

Sáng học chương trình chính khóa ở trường, trưa về nhà ăn trưa và ngủ rồi chiều lại trở lại trường học tiếp chuyên đề bổ trợ. Kết thúc buổi học ở trường cũng là lúc ca học thêm buổi tối bắt đầu. Em lại đến nhà thầy để học tiếp.

"Ngày nào em cũng học 1-2 ca ở nhà thầy, đảm bảo một tuần đủ 8 buổi, trong đó môn Toán 4 buổi, Lý và Hóa mỗi môn hai buổi. Hôm nào học một ca, em sẽ về nhà lúc 19h30 còn hai ca thì là 21h30-22h. Ăn tối, tắm rửa xong, em lại tự học đến khoảng 2h sáng", Tuấn Anh kể vanh vách lịch trình một ngày mà em áp dụng suốt tháng qua. Nhiều lúc stress, Tuấn Anh sẽ dành một buổi tối chỉ để ngủ rồi ngày hôm sau lặp lại lịch trình.

Vừa trải qua đợt thi thử ở trường với mức điểm 23, Tuấn Anh hy vọng đề thi tốt nghiệp THPT chính thức có độ khó tương đương đề minh họa để em đạt được số điểm như kỳ vọng.

Tuấn Anh (trái) và Quang Duy ngồi xem thông tin tuyển sinh trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 21/6. Ảnh: Dương Tâm.

Tuấn Anh (trái) và Quang Duy ngồi xem thông tin tuyển sinh trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 21/6. Ảnh: Dương Tâm.

Cùng lớp với Tuấn Anh, Đinh Quang Duy dùng từ "vất vả" để mô tả quãng thời gian từ Tết đến giờ. "Kỳ thi tốt nghiệp THPT quyết định tương lai của em. Gia đình tạo điều kiện dồn toàn lực ôn thi nên em không thể lơ là được", Duy nói.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa của Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội với mức điểm chuẩn khối A (Toán, Lý, Hóa) năm 2019 là 24,65, Duy lo lắng điểm môn Lý không đạt như kỳ vọng.

"Môn Vật lý có phần lý thuyết rất dài khiến em không thể nhớ lâu được. Thi thử hay kiểm tra trên lớp, môn này luôn bị điểm kém nhất nên em khá lo", Duy chia sẻ. Ngoài hai buổi học thêm Lý ở ngoài và thời gian học ở trường, nam sinh dành nhiều thời gian tự học cho môn này để không bị kéo tụt tổng điểm.

Sử dụng tổ hợp D01 để xét tuyển đại học, Phạm Mai Hương ở trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh) đang dồn toàn lực để ôn luyện ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Em đăng ký 5 nguyện vọng vào ngành Quản trị khách sạn và Tài chính - Ngân hàng của các trường, trong đó kỳ vọng nhất vào ngành Quản trị khách sạn của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Thi thử em thường được 7 đến 7,5 điểm mỗi môn nên rất lo lắng vì điểm chuẩn của trường năm ngoái là 23,5. Em đặt mục tiêu phải ôn tập ra sao để khi thi thật tăng tổng điểm lên 2 điểm nữa", Hương nói.

Để hoàn thành mục tiêu, hàng ngày Hương dậy từ 5h30, dành 30-45 phút đọc lại ngữ pháp, các cấu trúc câu tiếng Anh bởi đây là môn em học yếu nhất trong ba môn của tổ hợp xét tuyển. Học ở trường từ 7h15 đến 12h, chiều từ 13h15 em lại đi học thêm ở ngoài. Giai đoạn nước rút này, chiều nào Hương cũng phải học thêm hai ca, đến 20h30 mới về nhà. Ăn uống, tắm rửa xong, em lại tự học thêm hai tiếng rồi mới đi ngủ.

Dù vất vả, Hương cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT xứng đáng để em đầu tư thời gian bởi đó là bước ngoặt quyết định tương lai em làm gì và sống như thế nào.

Lịch thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020. Đồ họa: Tạ Lư

Lịch thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2020. Đồ họa: Tạ Lư

Giống như Hương, Nguyễn Việt Trinh, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) đặt mục tiêu tăng 1-2 điểm tổ hợp D01 so với hiện tại. Đặt nguyện vọng cao nhất vào ngành Ngôn ngữ Trung của Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trinh nói phải đạt ít nhất mỗi môn 8 điểm mới đỗ.

"Toán và Anh thì được nhưng môn Văn em còn phải cố gắng nhiều", Trinh nói. Hiện, em học thêm 3-4 ca Toán một tuần, Ngữ văn và Tiếng Anh mỗi môn hai ca, phương pháp chủ yếu là luyện đề. Các thầy cô sẽ đưa ra đề với nội dung kiến thức bám sát đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hôm 7/5. Sau đó, em và các bạn sẽ giải đề. Với những câu không trả lời được, em sẽ lật lại phần kiến thức liên quan hoặc hỏi thầy cô, bạn bè để ghi nhớ.

Bạn cùng lớp của Trinh là Nguyễn Thị Quỳnh Trang cho rằng phải đạt khoảng 25-26 điểm mới có thể đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Ngôn ngữ Trung của Đại học Hà Nội bởi năm ngoái, ngành này lấy 32,97 điểm (thang 40). Tuy nhiên, Trang chỉ đi học thêm 4 buổi một tuần, Toán hai buổi và Ngữ Văn, Tiếng Anh mỗi môn một buổi. Em dành nhiều thời gian tự học, thường đi ngủ sau 12h đêm.

"Ban đầu, bố mẹ muốn em thi ngành Kế toán của Học viện Tài chính nhưng em chỉ thích ngành Ngôn ngữ Trung. Em đã phải thuyết phục và nhờ cả người trung gian thuyết phục cùng. Ngành em muốn học có điểm chuẩn cao hơn ngành bố mẹ mong muốn nên em phải cố gắng thật nhiều để trúng tuyển", Trang chia sẻ.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc vào ngày 14/7. Nhiều trường THPT đã cho học sinh thi học kỳ xong nhưng vẫn duy trì giảng dạy và ôn luyện cho học sinh, đặc biệt là lớp 12.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hai ngày 9-10/8. Thí sinh phải thi ba bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Dương Tâm

Theo Vnexpress
Thí sinh học thêm tối ngày cho thi tốt nghiệp THPT