Chuyên Gia Tư Vấn

Thí sinh theo ngành Ngôn ngữ cần lưu ý những thông tin gì?

4 năm trước | 0 bình luận | Web tuyển sinh | 384 lượt xem

Ngành Ngôn ngữ thi khối nào?

Tùy vào ngôn ngữ bạn lựa chọn theo học (như ngôn ngữ Anh, Hàn, Nhật, Trung, Nga…) sẽ tương ứng với khối thi (tổ hợp môn thi) bạn phải ôn luyện để dự thi. Ví dụ: nếu bạn muốn ứng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh, bạn có thể lựa chọn các khối thi như A01, D01, D09, D10, D14, D15 hay nếu bạn muốn ứng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Hàn, bạn có thể lựa chọn các khối thi như A01, C00, D01, D14, D15, D78, D96…

Kết quả hình ảnh cho ngành ngôn ngữ anh

Ngoài ra, do mỗi trường đào tạo những ngành ngôn ngữ giống hoặc khác nhau, đồng thời quy định về khối thi có thể cũng khác nhau. Sinh viên quan tâm có thể tham khảo chi tiết cuốn “Những điều cần biết về kì thi tuyển sinh” hoặc truy cập vào website của trường để theo dõi ngành học - khối thi tuyển sinh hàng năm.

Sinh viên có cần biết ngôn ngữ đó trước khi vào Đại học?

Đây là thắc mắc chung của không ít bạn trẻ khi lựa chọn theo học bất kỳ một ngành Ngôn ngữ nào và câu trả lời là “KHÔNG” . Tất cả các trường đều sẽ dạy tiếng (Hàn, Trung, Nhật…) sơ cấp cho sinh viên năm 1.

Như vậy, bạn sẽ không cần phải biết ngôn ngữ đó trước vẫn có thể ứng tuyển và vào học bình thường. Tuy nhiên, vẫn khuyến khích những ai đã xác định rõ hướng đi và lựa chọn được ngôn ngữ theo học nên tìm hiểu trước những điều cơ bản để có bước khởi đầu chắc chắn hơn, nhanh hòa nhập và làm quen với ngành học.

Giảng viên ngành Ngôn ngữ tại các trường Đại học là ai?

Đó chắc chắn là những người rất có năng lực, học vị từ bậc Cử nhân - Thạc sĩ trở lên, đa phần đã tốt nghiệp các trường Cao học ở quốc gia nói ngôn ngữ đó với các chuyên ngành có liên quan, đảm bảo truyền đạt đầy đủ những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề và kinh nghiệm làm việc thực tế… Bên cạnh đó, cũng có một số thầy cô tuy không xuất thân từ ngành Ngôn ngữ nhưng học và nghiên cứu về văn hóa, xã hội, kinh tế, lịch sử nói chung của quốc gia nói ngôn ngữ đó.

Kết quả hình ảnh cho ngành ngôn ngữ anh

Ngoài ra, các trường có thể có giảng viên là người bản xứ hoặc không – giảng viên là các giảng viên ngôn ngữ đó đến từ các tổ chức, trung tâm mà trường hợp tác…

Học ngành Ngôn ngữ ra trường làm gì?

Ngoài việc trở thành các phiên dịch viên hay biên dịch viên, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ còn có thể ứng tuyển vào rất nhiều các vị trí thuộc lĩnh vực và chuyên ngành liên quan nếu đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng từ tổ chức, doanh nghiệp như: Nhà hoạt động ngoại giao, nhân viên làm việc trong các công ty xuất nhập khẩu, chuyên viên truyền thông, tổ chức sự kiện, thư ký, trợ lý trong các công ty nước ngoài, giáo viên giảng dạy ngôn ngữ,  hướng dẫn viên du lịch,  phóng viên, biên tập viên các mảng tin tức quốc tế…

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ sẽ có cơ hội việc làm vô cùng rộng mở. Lý do đơn giản xuất phát từ tiềm năng và cơ hội hội nhập kinh tế, văn hóa thế giới, chính sách mở cửa hợp tác quốc tế cùng nhiều vấn đề liên quan khác kéo theo việc hình thành rất nhiều tổ chức, công ty, doanh nghiệp cần người biết ngoại ngữ để giao tiếp và làm việc. Trong đó, nở rộ là nhu cầu tuyển dụng phiên dịch viên với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đây, sẽ giúp bạn giải đáp hết những thắc mắc xoay quanh ngành ngôn ngữ. Nếu bạn có đam mê với ngành này, hãy tìm hiểu nhiều thông tin hơn nữa để có những lựa chọn thật chính xác, định hướng công việc trong tương lai. Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của mình!

Theo Web tuyển sinh
Thí sinh theo ngành Ngôn ngữ cần lưu ý những  thông tin gì?