Giáo dục

Hiệu trưởng vừa mừng vừa lo khi chọn sách giáo khoa

4 năm trước | 0 bình luận | Vnexpress | 80 lượt xem

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục, được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến từ ngày 30/11, các trường học thành lập hội đồng gồm hiệu trưởng, phó hiệu trường, giáo viên và đại diện phụ huynh để lựa chọn sách giáo khoa mới, công bố trước năm học 2020-2021 ít nhất 5 tháng.

Thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), cho biết phần lớn học sinh nhà trường là người Mông, nhận thức và hiểu biết về tự nhiên, xã hội rất hạn chế nên tiêu chí lựa chọn đầu tiên là sách có nhiều hình ảnh to, rõ ràng và bắt mắt. Trường sẽ ưu tiên chọn những sách sử dụng từ ngữ dễ hiểu, gần gũi với học sinh.

"Ngoài ra, tôi sẽ nghiêng về những sách xuất hiện một vài chi tiết vùng miền, có nét tương đồng với cuộc sống học sinh vùng cao để tạo sự gần gũi cho các em trong quá trình học tập", thầy giáo nói.

Tuy nhiên, thầy Điệp lo lắng về kinh phí bỏ ra trong quá trình chọn sách. Tiền mua sách giáo khoa, trường Hừa Ngài được miễn phí do nằm ở vùng khó khăn, nhưng kinh phí mua sách để tham khảo, lựa chọn thì trường tự chủ. Ngoài ra, thầy băn khoăn trước việc trong hội đồng có đại diện phụ huynh học sinh.

"Toàn bộ người dân xã Hừa Ngài là dân tộc thiểu số. Hạn chế trong hiểu biết và khác biệt văn hóa là khó khăn nếu để phụ huynh cùng chọn sách với cán bộ, giáo viên nhà trường", thầy Điệp nói.

Chia sẻ việc các trường trong cùng huyện lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, thầy Điệp cho rằng vấn đề này không đáng lo ngại. Sách giáo khoa khác nhau, nhưng đều được xây dựng trên một khung chương trình nên nội dung tương đồng. "Cả 32 quyển sách được duyệt đều do các chuyên gia và đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm lựa chọn kỹ càng nên tôi không lo lắng", thầy giáo nói.

Sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hằng

Sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hằng

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết đã đọc kỹ dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, đang theo dõi các trao đổi xung quanh và sẽ thành lập hội đồng chọn sách ngay sau khi có hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Tôi không lo lắng chuyện chọn sách dù đây là điều mới mẻ và chắc chỉ có trong năm nay, cũng không cho rằng trường chọn sách là nguy hiểm bởi về cơ bản sách nào cũng có thể dùng được do đã vượt qua nhiều vòng thẩm định", thầy Khang nói.

Vì xác định thời gian lựa chọn sách ngắn, phải xong trước tháng 5/2020, thầy Khang đã tìm mua các bản sách đã qua thẩm định, nhưng không được. Hiệu trưởng này không băn khoăn nhiều việc phải chi khoản kinh phí cho việc mua sách vì sách mua về không phải chỉ để đọc thẩm định, lựa chọn hay cho vào thư viện mà còn là tài liệu tham khảo tốt, lâu dài cho giáo viên.

Theo thầy Khang, sách giáo khoa giờ không còn là pháp lệnh như trước mà chỉ là phương tiện giảng dạy, trường không bị bó hẹp phải chọn sách cùng một bộ nên việc này sẽ không khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát hành cuốn Chương trình nội dung lớp 1 để giáo viên bám sát chương trình, chuẩn kiến thức rồi tham khảo sách. Có như vậy, năm nay trường chọn sách này, năm sau tỉnh, thành phố chọn sách khác cũng không lo ngại chuyện học sinh có tiếp thu được kiến thức cần đạt được theo chương trình hay không.

Điều khiến Hiệu trưởng trường Marie Curie lo lắng là thành viên hội đồng chọn sách do trường thành lập. Việc đưa giáo viên vào hội đồng là hợp lý và trường hoàn toàn đáp ứng đủ do có tổ trưởng chuyên môn, giáo viên trực tiếp đứng lớp 1 và cả giáo viên của các khối lớp cao hơn. Nhưng việc đưa phụ huynh vào thành phần hội đồng là không khả thi bởi không phải ai cũng có chuyên môn để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn.

"Giáo viên đọc hết 5-6 cuốn sách mỗi môn, đưa ra đánh giá trong thời gian ngắn và chưa được dạy thử đã mệt rồi, huống gì cha mẹ học sinh. Ngay cả người trong ban đại diện phụ huynh, chuyên môn cũng bị hạn chế", thầy Khang nhận định.

Sách Toán 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hằng

Sách Toán 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hằng

Tại TP HCM, nhiều trường tiểu học chưa có bất cứ động thái trong việc chọn lựa sách giáo khoa cho năm 2020. "Chúng tôi chưa biết mặt mũi sách mới ra sao, chưa biết dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách thế nào. Tất cả chờ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phổ biến rồi mới làm", hiệu trưởng một trường tiểu học quận 1 nói.

Một hiệu trưởng khác tại quận Bình Thạnh cho rằng, băn khoăn lớn nhất của các trường là xác định tiêu chí đánh giá chất lượng bộ sách giáo khoa vì sách không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của trường mà còn đến người học, gia đình và dư luận xã hội. Trong khi đó, dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa mang nặng tính quy trình, thủ tục hơn là hướng dẫn nội dung.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc tổ chức triển khai liên quan đến sách giáo khoa phổ thông, đặc biệt là cách chọn sách phù hợp nhất", ông nói.

Thanh Hằng - Dương Tâm - Mạnh Tùng

Theo Vnexpress
 Hiệu trưởng vừa mừng vừa lo khi chọn sách giáo khoa