Tuyển sinh

Tuyển Sinh 2020: Những lí do thí sinh nên đăng kí xét tuyển ngành Du lịch; Theo học hệ Cao đẳng có phải lựa chọn đúng?

4 năm trước | 0 bình luận | Web tuyển sinh | 179 lượt xem

Là một trong những ngành có tỷ lệ chọi cao nhất. Có 104.769 chỉ tiêu năm 2019, số nguyện vọng là hơn 739.000 nguyện vọng, tỷ lệ chọi là 1/7.

Từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng đề án thực hiện chính sách cơ chế đặc thù các ngành này, khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp ngành khác chuyển sang học văn bằng 2 ở lĩnh vực này. Đến năm 2020, du lịch một lần nữa trở thành nhóm ngành đào tạo được ưu tiên trong tuyển sinh bậc ĐH khi là một trong 2 ngành được Bộ GD-ĐT cho phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo PGS-TS Trịnh Thùy Anh,Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM : Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng khách sạn rất lớn. Vì thế các em đăng ký ngành này sẽ có cơ hội mở trong tương lai. Các trường thường hợp tác với doanh nghiệp đào tạo nhóm ngành này để đáp ứng nhu cầu xã hội..

Theo Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên,Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM: Đối với nhóm ngành dịch vụ-du lịch mỗi năm cần 15.000 nhân lực, thực tế chưa đáp ứng được.

Tiến sĩ Phùng Đức Vinh, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng cho biết: “Mỗi năm cần 40.000 lao động chất lượng cao nhưng với gần 300 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm chỉ cho ra khoảng 20.000 người. Nghĩa là đang thiếu khoảng 50% nhân lực”.

Học du lịch cần những tố chất gì? Ngoại ngữ có quan trọng hay không?

Theo PGS-TS Trịnh Thùy Anh: Tố chất của người làm việc trong lĩnh vực du lịch là phải thích quan tâm đến người khác, thích chăm sóc, chia sẻ, chịu khó, ham học hỏi. Những bạn thích tìm tòi, khám phá, sáng tạo, trải nghiệm sẽ rất phù hợp. Các kỹ năng xử lý khủng hoảng, thích ứng, linh hoạt, thương thuyết, quản lý thời gian…

Thí sinh nữ đa số có tố chất phù hợp với nhóm ngành này. Tuy nhiên có một số khó khăn nhất định như phải di chuyển liên tục, đòi hỏi sức khỏe tốt. Nhưng nếu bạn có đam mê thì có thể khắc phục bằng cách rèn luyện sức khỏe.

Ngành này có đặc thù, khi mới ra trường phải tiếp cận công việc căn bản để trải nghiệm và nắm vững chuyên môn, sau đó có thể làm công việc quản lý điều hành.

Theo thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, làm du lịch là cơ hội đi du lịch miễn phí khắp nơi. Tuy nhiên để học ngành này cần có đam mê, kỹ năng giao tiếp tốt, sức khỏe phù hợp với công việc di chuyển nhiều, thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau. “Là ngành dịch vụ nên cần có sự chu đáo, quan tâm tới khách hàng”, thạc sĩ Tân nhấn mạnh.

Theo Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Tất cả các ngành học đều cần ngoại ngữ và tin học, không chỉ ngành du lịch. Nếu em có vốn ngoại ngữ tốt thì sẽ có thể phụ trách những tour nước ngoài, thu nhập sẽ tốt hơn.

Những khó khăn của ngành du lịch và lữ hành là gì?

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân: Bạn nào có tâm lý rụt rè thì sẽ có trở ngại khi học ngành này. Ngành này học rất dễ, nhưng yêu cầu kiến thức xã hội rất rộng. Em nào ngại khám phá cũng sẽ khó khăn.

Ngành lữ hành có thể làm hướng dẫn viên hoặc thiết kế điều hành tour. Nếu chọn hướng dẫn viên thì cần có thể lực, thích di chuyển. Ngoại ngữ yếu cũng sẽ khó vì khách quốc tế và du lịch nước ngoài hiện nay đang rất phát triển.

PGS-TS Trịnh Thùy Anh: Nhiều em học một thời gian mới biết mình không thích hợp. Giá trị cốt lỗi của ngành du lịch và lữ hành là thích quan tâm, chăm sóc người khác, muốn được khám phá. Điểm khó khăn khi đi làm ngành này nữa là phải trải từ vị trí thấp nhất mới dần dần lên cao. Phải trải qua quá trình phát triển, chứ không thể nôn nóng.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Học du lịch ra, tốt nghiệp chưa thể thành hướng dẫn viên du lịch ngay mà phải trải qua cuộc thi, được cấp thẻ. Có nhiều áp lực công việc và rủi ro chủ quan, khách quan trong quá trình làm việc. Phải linh động, sáng tạo để xử lý tình huống và tạo sự hài lòng cho khách hàng. Đây là nghề làm dâu trăm học, chấp nhận dấn thân thì phải xác định mình đang làm công tác phục vụ và phải phục vụ tốt nhất mới thu hút được khách hàng...

Còn theo tiến sĩ Vinh, cơ hội nhiều nhưng không phải mọi thứ đều “màu hồng” khi ra trường. Ông Vinh nói: “Để làm nhà quản lý du lịch giỏi, phải nắm được những kỹ năng cơ bản ở các bộ phận, sau một thời gian thể hiện năng lực với kỹ năng thành thạo. Thường là sau khoảng 3 - 5 năm, những em tốt nghiệp các trường có kỹ năng, tố chất vậy mới được đề bạt thành nhà quản trị”.


Chương trình CĐ có tới 70% thực hành

Sự khác biệt giữa các bậc học đầu tiên là thời gian học. Trong đó, với bậc CĐ thời gian học chỉ khoảng 2 năm rưỡi là đủ để tham gia thị trường lao động. Còn thời gian đào tạo đại học thường kéo dài từ 4 - 6 năm.

Tiếp đến đó là chi phí học tập, chúng ta có thể thấy rõ rằng học đại học tốn kém hơn rất nhiều so với hệ cao đẳng. Nhưng chi phí cũng chỉ là một khía cạnh để bạn đánh giá. Mỗi lựa chọn có lợi thế riêng, và tùy điều kiện và bối cảnh riêng của mỗi người mà lựa chọn nào trở nên tối ưu.

Bậc Cao đẳng thường tập trung vào việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong một ngành hẹp. Người tốt nghiệp ra có chuyên môn tốt, và bắt nhịp với công việc nhanh. Vì thế, họ nhanh chóng hòa nhập và đôi khi mức lương khởi điểm cao hơn người học hệ đại học. Đổi lại, người học ĐH được trang bị nhiều kiến thức nền hơn, vì thế khả năng thăng tiến về lâu dài thường cao hơn người học cao đẳng.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp không còn quá quan trọng vấn đề bằng cấp mà chú trọng đặc biệt đến khả năng tiếp cận, xử lý công việc. Do đó, học CĐ hoàn toàn có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Chưa kể đến, nhiều người sau khi đi làm một thời gian lại tiếp tục học 2 năm còn lại để lấy bằng ĐH, thậm chí sau đó là bằng thạc sĩ hoặc cao hơn, khi họ có điều kiện về tài chính và thời gian tốt hơn.


Doanh nghiệp cần người làm việc hiệu quả hay cần người có bằng cấp cao nhưng năng suất lao động thấp. Dân tộc ta có truyền thống hiếu học nhưng thực tế hiện nay xã hội thừa thầy nhưng thiếu thợ. Khi quyết định học ngành, nghề gì chúng ta cần phải tính toán dựa nguyên tắc chi phí và lợi ích đầu tư cho giáo dục, xem xét chi phí đầu tư học tập, thời gian, công sức của mình phải đánh đổi sẽ giúp chúng ta có được cuộc sống tốt hơn hay chỉ làm lãng phí tuổi trẻ, công sức và tiền bạc một cách vô ích.

Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỉ đồng.

Tuy trong cơn dịch bệnh Covid-19, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nhưng hiện nay cả nước đang có nhiều chiến dịch để thu hút du khách. Và những thành tựu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam sẽ là “vũ khí” để ngành du lịch mở rộng thị trường khách, khẳng định điểm đến an toàn, hướng đến sản phẩm du lịch y tế tiềm năng nhưng chưa khai thác hết. Điều đó cho thấy với Việt Nam, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, các bạn không cần lo tương lai của ngành này. Quan trọng là sự phấn đầu, ý chí phát triển của các bạn.

Theo WebTuyenSinh Tổng hợp

Theo Web tuyển sinh
Tuyển Sinh 2020: Những lí do thí sinh nên đăng kí xét tuyển ngành Du lịch; Theo học hệ Cao đẳng có phải lựa chọn đúng?